Những điểm mới trong Luật Kế Toán số 88/2015/QH13

Những điểm mới trong Luật kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ 01-01-2017

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập về Kế toán – Tài chính Quốc tế, Quốc hội Việt Nam đã quyết định thông qua Luật Kế toán 2015 – Luật số 88/2015/QH13 gồm 6 chương – 74 điều nhằm quy định về các nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kiểm toán, Báo cáo tài chính Nhà nước, kiểm soát nội bộ, kiểm tra kế toán và hành nghề dịch vụ kế toán. Việc sửa đổi Luật Kế toán lần này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác kế toán với vai trò là công cụ quản lý tài chính, vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Luật kế toán 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
1. Quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người làm kế toán.
Điều 28 Luật Kế toán 2015 quy định các loại tài sản và nợ phải trả được đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính gồm:

  • Công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý;
  • Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế;
  • Các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải được đánh giá lại theo giá trị hợp lý.

Việc đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý phải bảo đảm có căn cứ xác thực. Trường hợp không có cơ sở để xác định được giá trị một cách đáng tin cậy thì tài sản và nợ phải trả được ghi nhận theo giá gốc.
Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật cao, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được, Luật quy định Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
2. Đơn vị tiền tệ rút gọn và làm tròn số khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính
Nghị định số 129/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán năm 2003 quy định chỉ các báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính dùng để công khai có số liệu báo cáo trên 9 chữ số thì được lựa chọn sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là nghìn Đồng hoặc triệu Đồng. Điều 10 Luật kế toán năm 2015 cho phép đơn vị kế toán được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, Luật kế toán 2015 không nói rõ liệu tất cả các loại báo cáo tài chính được phép sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn hay chỉ một số loại báo cáo tài chính như quy định tại Nghị định 129/2004/NĐ-CP mới được phép.
3. Quy định chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán
Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
Đối với doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài phải chuyển báo cáo tài chính về công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài hoặc sử dụng chung phần mềm quản lý, thanh toán giao dịch với công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài được sử dụng dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ; khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị được đặt dấu chấm (.) và phải chú thích trong tài liệu, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ và dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị.
4. Lập và lưu Chứng từ điện tử
Chứng từ điện tử không bắt buộc phải in ra giấy như quy định trước đây của Luật kế toán năm 2003. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.
5. Sổ kế toán
Sổ kế toán sau khi được khóa trên phương tiện điện tử không bắt buộc phải in ra giấy và đóng thành quyển riêng như quy định trước đây của Luật kế toán năm 2003. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.
6. Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán

Luật Kế toán 2015 bổ sung quy định “kế toán viên hành nghề” (Điều 3). Theo đó, người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên:

  • Có năng lực hành vi dân sự.

  • Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học.

  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức sẽ được đăng ký hành nghề và được công nhận là kế toán viên hành nghề (Điều 58).

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Luật quy định đối với doanh nghiệp:

  • Có ít nhất hai người là kế toán viên hành nghề (Điều 60).

  • Đối với cá nhân phải thành lập hộ kinh doanh và cá nhân đó phải là kế toán viên hành nghề (Điều 65).

7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong kế toán
Tại Điều 13 Luật Kế toán năm 2015 quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm trong kế toán trong đó kế thừa 9 hành vi bị cấm được quy định tại Điều 14 Luật Kế toán năm 2003 và bổ sung một số hành vi bị cấm nhằm bảo đảm bao quát được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong lĩnh vực kế toán, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Cụ thể các hành vi bị cấm như sau:

  • Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
  • Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
  • Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
  • Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ.
  • Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
  • Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định.
  • Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.
  • Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
  • Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
  • Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
  • Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này.

 Bổ sung nguyên tắc “Giá trị hợp lý”

Tại khoản 1, Điều 6 của Luật kế toán 2015 nêu rõ: “Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá trị gốc. Sau đó, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính”. Việc bổ sung nguyên tắc “giá trị hợp lý” giúp cho công tác xác định giá trị tài sản, nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính đảm bảo tính chính xác hơn hiện nay vẫn còn quy định tính giá gốc theo Luật kế toán 2003. Cũng tại luật này giao cho Bộ Tài Chính quy định cụ thể các loại tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo “giá trị hợp lý”, phương pháp kế toán ghi nhận vá đánh giá lại theo “giá trị hợp lý”.

8. Báo cáo tài chính nhà nước

Luật năm 2015 bổ sung quy định mới về báo cáo tài chính nhà nước (Điều 30). Báo cáo này cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Báo cáo tài chính nhà nước bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính; báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh báo cáo tài chính. Ngoài ra, Luật còn quy định trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.

9. Quy định kiểm tra kế toán

Luật bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán bao gồm:

  • Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán ở địa phương do mình quản lý

  • Đơn vị cấp trên quyết định kiểm tra kế toán đối với đơn vị trực thuộc (Điều 34).

Ngoài các cơ quan nêu trên, cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đơn vị kế toán cũng có quyền kiểm tra kế toán.

10.Những người không được làm kế toán

Điều 52 của bộ Luật này quy định, những người không được làm kế toán gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán cũng không được làm kế toán, song vẫn trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.

11.Bổ sung trách nhiệm người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng

Ngoài trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán đã được quy định trong Luật Kế toán năm 2003, Luật Kế toán năm 2015 đã bổ sung thêm các quy định:

  • Chịu trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm của mình

  • Tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ đơn vị và kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới

  • Luật bổ sung trách nhiệm của kế toán trưởng phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán (Điều 55).

12. Tổ chức nghề nghiệp kế toán

Để tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, Luật bổ sung thêm 01 điều (Điều 70) quy định về vấn đề này. Theo đó tổ chức nghề nghiệp kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định.

ST

Có thể bạn quan tâm